Làm sao để “cô bé” luôn săn chắc?

Âm đạo của phụ nữ có hình ống, được tạo thành bởi hệ thống cơ sàn chậu bao gồm rất nhiều cơ đan xen lẫn nhau và nhiều dây chằng nâng đỡ. Mọi tác nhân ảnh hưởng đến hệ thống cơ và dây chằng này đều tác động đến sự săn chắc của âm đạo. 

Cực khoái của người phụ nữ tùy thuộc một phần vào cấu trúc giải phẫu của âm đạo và phụ thuộc vào cách bạn tình kích thích hệ thống điểm G vốn có sẵn trên cơ thể người phụ nữ, một số điểm G là cố định và giống nhau ở đa số phụ nữ. 

Săn chắc âm đạo là vấn đề quan trọng để giữ lửa cho cuộc sống lứa đôi cũng như giúp cho  sức khỏe vùng sinh dục- tiết niệu của người phụ nữ tối ưu, giúp cô ấy cảm thấy thoải mái trong sinh hoạt hàng ngày để làm việc cũng như chăm lo cho mái ấm gia đình. 

NHỮNG YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN SỰ SĂN CHẮC ÂM ĐẠO 

1. Di truyền

Yếu tố di truyền đóng vai trò rất quan trọng trong việc bạn được thừa hưởng hệ thống cơ sàn chậu và bộ phận sinh sản như thế nào. Đây là yếu tố không thể chọn lựa được, chỉ để tham khảo xem liệu những vấn đề bạn đang gặp phải là do cơ địa của bạn hay là do được thừa hưởng từ mẹ bạn.

2. Sinh đẻ

Có một sự thật là số lần mang thai càng nhiều thì hệ thống cơ sàn chậu và dây chằng càng dãn và suy yếu nhất là số lần mang thai quá gần nhau và trọng lượng thai quá to

Phương pháp sinh cũng ảnh hưởng đến hệ thống cơ sàn chậu. Phụ nữ sinh thường có nguy cơ bị tổn thương hệ thống cơ nâng hậu môn và dễ gặp các vấn đề về tiểu tiện sau này hơn phụ nữ sinh mổ.

Tuy nhiên đây không phải là yếu tố để các bạn chọn sinh mổ cho tất cả các trường hợp vì sinh mổ có thể xảy ra nhiều nguy cơ không đáng có về tương lai sản khoa cho người mẹ như thai bám vết mổ cũ, vỡ tử cung, hạn chế số lần mang thai… phụ nữ sinh thường các thành âm đạo cũng sẽ dãn hơn phụ nữ sinh mổ. Thường sau khi sinh 1 năm thì hệ thống cơ nâng sẽ được hồi phục tối đa nhất có thể. Thực hiện các bài tập sàn chậu đúng cách và sớm sau khi sinh thường hay sinh mổ sẽ giúp phục hồi tốt hơn. 

Đối với phụ nữ chịu sự can thiệp của dụng cụ như forcep, giác hút trong quá trình sinh thường có thể gây tổn thương nặng nề tầng sinh môn gây nên những rối loạn về sau vĩnh viễn khó hồi phục khiến hộ phải chịu đựng điều này hầu như suốt cuộc đời. Cần nắm rõ những nguy cơ các bạn gặp phải trước khi quyết định một thủ thuật nào đó trên cơ thể bạn. 

Những trường hợp chuyển dạ kéo dài hoặc tư thế đầu của em bé không thuận lợi trong quá trình đi xuống cũng có thể gây tổn thương hệ thần kinh vùng cùng cụt làm ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống cơ nâng nhưng thường có thể hồi phục được theo thời gian. 

3. Sinh hoạt

Phụ nữ phải làm những việc khuân vác nặng hoặc luyện tập nặng không đúng cách có thể gây ảnh hưởng đến sàn chậu.  

Nếu phải làm những việc nặng không thể tránh khỏi bạn nên học cách thực hiện các động tác sao cho hạn chế lực tác động tối đa lên hệ thống cơ nâng và hít thở đúng cách, lưu ý đối với các bạn trẻ tập gym ngày nay.  

4. Bệnh lý

Nhiều tình trạng bệnh lý luôn khiến cho áp lực ổ bụng  ở tình trạng cao như béo phì, táo bón mạn tính, ho lâu năm… đều có thể ảnh hưởng đến hệ thống cơ nâng sàn chậu.  

Táo bón mạn tính là vấn đề nhiều người mắc phải, có thể do bệnh lý thần kinh vùng hậu môn trực tràng hoặc hệ thần kinh chi phối cơ vùng này hoặc do chế độ ăn uống và đại tiện không khoa học. Nếu gặp phải vấn đề về thần kinh cần điều trị chuyên khoa để giúp hệ thần kinh hồi phục. Nếu là vấn đề chế độ ăn và đại tiện không khoa học thì cần kiên trì thay đổi thành phần thức ăn tăng cường chất xơ, uống đủ nước và tập đi đại tiện vào một thời gian cố định mà tốt nhất là 5-7 giờ sáng, lưu ý tư thế bồn cầu không phù hợp cũng có thể gây nên tình trạng táo bón mà bạn không nhận ra. 

Béo phì thì hệ thống mỡ thành bụng cũng như mỡ nội tạng nhiều làm tăng áp lực ổ bụng thường xuyên dai dẳng. Giảm mỡ nội tạng là yếu tố quan trọng vì vừa giúp giảm áp lực ổ bụng vừa góp phần cải thiện sức khỏe tổng quát cho cơ thể. 

Ho lâu năm cần được điều trị để cải thiện giấc ngủ, giảm stress cũng như giảm áp lực cho ổ bụng. 

Phẫu thuật vùng chậu như cắt tử cung hoàn toàn cũng gây ảnh hưởng đến hệ thống cơ nâng vì mất đi cấu trúc nâng đỡ vòm âm đạo đôi thi gây sa mỏm cắt, tổn thương hệ thống thần kinh gây dãn các thành âm đạo về sau. Tuy nhiên thao tác phẫu thuật hiện nay có nhiều tiến bộ có thể giúp phụ nữ bảo tồn tối đa hệ cơ và dây chằng nâng đỡ sàn chậu. Bạn cần được tư vấn kỹ trước khi quyết định phẫu thuật. 

Mãn kinh là tình trạng buồng trứng mất đi chức năng vốn có của nó trong việc sản xuất estrogen cho cơ thể, niêm mạc âm đạo thiếu estrogen sẽ teo mỏng đi, khô, các thành âm đạo thiếu chất nhầy nên khi áp sát vào nhau sẽ gây ra phản ứng viêm do tiếp xúc cơ học gây nên tình trạng viêm. Triệu chứng gây ra là đi tiểu nhiều lần, khô rát khi quan hệ tình dục giống với những triệu chứng của bàng quang tăng hoạt do rối loạn hệ thống thần kinh chi phối vùng sàn chậu. Mãn kinh cũng làm cho hệ thống nâng đỡ sàn chậu yếu đi một cách tự nhiên làm gia tăng các triệu chứng của sa tạng chậu nếu có. 

CÂU HỎI

Sau đây là một vài câu hỏi mà chị em hay hỏi tôi ở phòng khám, nhân tiên tôi xin chia sẽ luôn

Bác sĩ ơi, tôi phải làm gì nếu tôi đã từng sinh thường nhiều lần và hiện tại tôi thấy âm đạo quá rộng?

Trả lời: Tập các bài tập kegel là điều trước tiên bạn nên làm nếu không cải thiện bạn có thể chọn phẫu thuật thẩm mỹ thu hẹp âm đạo.  

Bác sỹ ơi! Tôi không kiểm soát được việc co thắt cơ vùng sinh môn sau sinh thường. Tôi phải làm sao?

Trả lời: Bạn nên được điều trị chuyên khoa sàn chậu ở các đơn vị có chuyên môn cao. Bác sĩ sẽ sử dụng các biện pháp kích thích điện tại chỗ và các bài tập hỗ trợ sự co thắt cơ để đánh giá tiến triển trong quá trình hồi phục của bạn. Việc điều trị cần hêt sức kiên nhẫn vì hiệu quả chậm và việc phục hồi đôi khi rất khó khăn. 

TÂM SỰ

Việc nắm rõ các yếu tố nguy cơ nêu trên nhằm giúp các bạn hiểu rõ cơ thể mình hơn, tránh những hành vi xấu gây ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như hạnh phúc hôn nhân của bạn. 

Tuy nhiên mang thai và sinh đẻ là điều khó tránh khỏi vì thiên chức và hạnh phúc làm mẹ của người phụ nữ, khi chưa mang thai bạn nên làm quen với các bài tập giúp cơ vùng chậu săn chắc để có thể nâng đỡ tử cung cùng thai nhi, trong mang thai nếu khỏe mạnh bạn vẫn có thể duy trì việc luyện tập đều đặn, giữ trọng lượng em bé trong giới hạn bình thường và đi sinh ở nơi có tay nghề chuyên môn cao cũng như hệ thống chăm sóc hậu phẫu tốt, tất cả những điều này sẽ giúp vùng cơ sàn chậu của bạn được hồi phục nhanh nhất có thể và hạn chế tối đa những thương tổn ngoài ý muốn. 

Thời gian giữa hai lần mang thai liên tiếp tốt nhất nên trên 1 năm để cơ sàn chậu có thời gian hồi phục vững chắc cho hành trình thử thách mới một lần nữa. 

Hãy nâng niu hệ thống cơ sàn chậu của bạn và luyện tập nó thường xuyên theo lịch trình vì hạnh phúc và sức khỏe của bạn phụ thuộc rất nhiều vào sự săn chắc của nó đấy… một bác sĩ nhiều năm trong nghề cảm nhận và cho hay.