Có một thực tế rất thường gặp tại phòng khám phụ khoa đó là tình trạng các chị em bị viêm âm đạo dai dẳng không khỏi hoàn toàn khiến cho chị em rất stress, ảnh hưởng đến sự tự tin cũng như hạnh phúc gia đình.
Vậy nguyên nhân của việc viêm âm đạo tái phát thường xuyên là gì? Tại sao có những người không bao giờ bị viêm nhiễm trong khi đó lại có những người cực kỳ dễ bị viêm nhiễm thậm chí viêm nhiễm nặng, thường xuyên và dễ tái phát?
Xác định một nguyên nhân chính xác gây viêm âm đạo dai dẳng đôi khi là công việc vô cùng khó khăn đối với cả bác sĩ lẫn bệnh nhân, việc điều trị cũng không hề đơn giản thậm chí tốn nhiều thời gian lẫn tiền bạc gây sụp đổ niềm tin lẫn hy vọng của người bệnh.
Sau đây tôi xin chia sẻ một số yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến tình trạng trên:

1. NHIỄM MẦM BỆNH ĐƯỜNG SINH DỤC
- Nấm, tạp khuẩn, trùng roi, lậu, chlamydia, mycoplasma genitalium, herpes, HPV… là những nguyên nhân thường gặp gây viêm âm đạo-cổ tử cung. Luôn luôn điều trị cho bạn tình đối với các trường hợp bị lây nhiễm các bệnh lý được phân nhóm bệnh STD (bệnh lây truyền qua đường tình dục).
- Tình trạng tăng sinh quá mức của garnerella vaginalis trong âm đạo (vốn có sẵn trong hệ khuẩn chí âm đạo) gây ra mùi hôi khó chịu.
2. VỆ SINH KHÔNG ĐÚNG CÁCH
Việc thụt rửa âm đạo sau khi quan hệ dẫn đến mất cân bằng hệ khuẩn chí âm đạo dẫn đến viêm nhiễm hoặc dùng vòi xịt toilet sai cách có thể dẫn đến nhiễm tạp khuẩn âm đạo và gây viêm da âm hộ.
Dùng dung dịch vệ sinh phụ nữ không phù hợp hay các loại xà phòng có tính tẩy rửa mạnh cũng dễ dẫn đến viêm nhiễm, các sản phẩm nước hoa vùng kín không nên được sử dụng.
Dùng cốc nguyệt san hay nhét tăm bông âm đạo qua đêm là yếu tố thuận lợi cho sự sinh sôi của vi khuẩn trong âm đạo.

Lưu ý:
Nên rửa sạch vùng kín và vùng hậu môn trước và sau khi đi cầu.
Sau khi đi tiểu có thể dùng giấy để thấm khô nước tiểu, nếu dùng nước để rửa thì sau đó phải lau khô nhẹ nhàng lại bằng khăn mềm hoặc giấy vệ sinh màu trắng.
Không nên sử dụng băng vệ sinh hàng ngày nhiều trừ những trường hợp đặc biệt như sau đặt thuốc âm đạo hôm trước hoặc những ngày cuối của chu kỳ kinh.
Giặt quần lót thường xuyên và phơi nơi có nắng, không mặc quần lót chất liệu quá bí, thay quần lót mới đúng thời hạn.
Không mặc quần bít quá lâu.
Tập thể dục thường xuyên, lối sống thụ động ít vận động cũng tăng nguy cơ viêm nhiễm.
3. KHÔNG TUÂN THỦ ĐIỀU TRỊ
Vì việc điều trị viêm âm đạo đôi khi không đơn giản như bạn nghĩ, nhiều bệnh nhân nghĩ rằng khi bị viêm đi gặp bác sĩ điều trị một lần là sẽ khỏi, thực tế là khi điều trị các triệu chứng sẽ giảm hoặc biến mất nhưng lại rất dễ tái phát. Nếu bác sĩ hẹn tái khám, các bạn nên đi đúng hẹn để được theo dõi tình hình diễn biến bệnh, không nên lười nhác hay ngại dẫn đến khó khăn cho việc điều trị về sau.
Việc uống thuốc theo đúng phác đồ cũng quan trọng không kém, uống không đúng liều lượng và số ngày, ngưng thuốc nửa chừng hoặc tự ý sử dụng thuốc theo toa cũ có thể dẫn đến tình trạng kháng thuốc khó điều trị,

Lưu ý:
Không nên tự ý điều trị theo kinh nghiệm vì đôi khi có thể gây tác hại nghiêm trọng hơn bạn tưởng. Khi đã chọn điều trị với một bác sĩ bạn nên đặt niềm tin tuyệt đối vào hiệu quả của việc điều trị và thuốc.
4. QUAN HỆ TÌNH DỤC
Quan hệ tình dục quá mức hoặc có những hành vi tăng nguy cơ gây viêm nhiễm như quan hệ qua đường hậu môn không dùng bao cao su, sử dụng những chất kích thích tạo cảm giác mới lạ cho cảm giác thăng hoa của các cặp đôi… một số thuốc diệt tinh trùng hay một số loại bao cao su cũng có thể gây viêm âm đạo.
5. MẮC BỆNH MẠN TÍNH GÂY SUY GIẢM MIỄN DỊCH
Thông thường những cơ thể khỏe mạnh sẽ có đủ sức đề kháng chống chọi lại mầm bệnh. Những người mắc các bệnh lý mạn tính như đái tháo đường, bệnh lý tự miễn, nhiễm HIV, bệnh Crohn, bệnh thận mạn, ung thư… đều tăng nguy cơ viêm nhiễm âm đạo.
6. SAU KHI ĐIỀU TRỊ MỘT CĂN BỆNH CẤP TÍNH
Việc sử dụng thuốc để điều trị một số căn bệnh cấp tính có thể gây mất cân bằng hệ khuẩn chí âm đạo, gây thay đổi dịch tiết âm đạo và có thể gây viêm.
7. BIỆN PHÁP NGỪA THAI
Đặt dụng cụ tử cung bằng đồng gây phản ứng viêm vô trùng trong lòng tử cung nhưng cũng gây tăng tiết dịch, trên cơ địa nhưng người hay viêm nhiễm thì việc đặt dụng cụ tử cung làm cho việc viêm nhiễm trở nên ngày càng tồi tệ.
Dụng cụ tử cung bằng nội tiết chỉ gây viêm nhiễm nhiều nếu chị em hay bị rong kinh kéo dài khi sử dụng.
Sử dụng thuốc ngừa thai cũng gây thay đổi dịch tiết âm đạo, một số ít trường hợp gây ngứa hoặc viêm âm đạo do nấm.
Vậy nên việc điều trị viêm âm đạo là việc cần xem xét rất nhiều yếu tố ảnh hưởng lên cơ thể người phụ nữ, không đơn thuần chỉ là điều trị viêm tại chỗ của âm đạo mà phải điều trị cả tổng thể cơ thể người phụ nữ, có vậy mới đạt kết quả tối ưu.
Hãy liên lạc với tôi nếu bạn đang tuyệt vọng vì căn bệnh này!