Mang thai là một quá trình sinh lý mà cơ thể người mẹ có sự thay đổi rõ rêt để thích nghi kịp thời với sự phát triển của thai nhi qua từng giai đoạn.
Đáp ứng với thai không ai giống ai, ẩn sau có thể khác lần đầu, có những người mang thai rất khỏe mạnh, xinh đẹp nhưng cũng có nhiều người mang thai bị phản ứng quá mức dẫn đến suy kiệt, tai biến nhiều.
CẦN CHUẨN BỊ GÌ TRƯỚC KHI MANG THAI?
Trước khi dự định mang thai tối thiểu 3 tháng, bạn nên khám tiền mang thai để tầm soát tránh các nguy cơ:
- Đái tháo đường
- Tăng huyết áp, bệnh lý tim mạch
- Thiếu máu
- Bệnh lý tuyến giáp
- Bệnh lây truyền qua đường tình dục
- Giun sán chó mèo
- Khám vú
- Pap’smear
- Chủng ngừa sởi-quai bị-rubella, thủy đậu, cúm, viêm gan B…
Về mặt dinh dưỡng bạn cần bổ sung vitamins và khoáng chất nếu chế độ ăn không đầy đủ:
Folic Acid
400 micrograms mỗi ngày
Giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh bẩm sinh như tật chia đôi ống sống. Nếu tiền sử gia đình có người bị dị tật ống thần kinh, tăng liều lượng folic acid lên gấp 10 lần. Folic acid có trong các loại lá, rau xanh sậm màu, các loại quả họ cam, chanh, các loại đậu, ngũ cốc nguyên cám
Sắt
Không được khuyến cáo thường quy
Nhưng đối với những phụ nữ có chế độ ăn ít chất sắt nên được bổ sung. Sắt có nhiều trong thịt đỏ, trứng, các loại hạt đậu, rau lá xanh, cải xoong, bánh mì ngũ cốc, trái cây khô.
Vitamin D
10 microgam/ngày
Có lượng ít trong các loại cá béo, trứng, ngũ cốc, phần lớn được tổng hợp khi da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời
Zinc (kẽm)
15 mg/ngày
Có nhiều trong sò, hải sản là thành phần tạo nên tinh dịch và testosterone ở nam giới, hỗ trợ rụng trứng và thụ thai ở nữ giới
Calcium
Có trong các nguồn tự nhiên như yogurt ít béo, pho mát, sữa…
Vitamin C
Giúp tăng cường hấp thu sắt
LỊCH KHÁM THAI ĐỂ KỊP THỜI PHÁT HIỆN NGUY CƠ
Phụ nữ sống ở nơi có y tế phát triển nên khám thai đúng theo hẹn của bác sĩ sản khoa, nếu ở những vùng nông thôn y tế còn lạc hậu thì nên có đủ thông tin để khám những mốc quan trọng.
Lần khám thai đầu tiên nên thực hiện khi trễ kinh 1-2 tuần để xác định thai trong hay thai ngoài tử cung, nếu có những triệu chứng như đau bụng, ra huyết âm đạo không giống như kinh bình thường dù đúng ngày kinh bạn cũng phải đi khám ngay để loại trừ thai lạc chỗ.
Sau khi đã chẩn đoán xác định là có thai trong tử cung, thông thường bạn sẽ được hẹn khám thai 4 tuần 1 lần cho đến 32 tuần. Những mốc quan trong không thể bỏ qua:
- Thai 12 tuần: tầm soát sớm các rối loạn nhiễm sắc thể thai nhi để phát hiện hội chứng Down, Patau, Edward và các bệnh lý của mẹ như viêm gan B, bệnh lý tuyến giáp, tiểu đường, tim mạch… nếu thai phụ từ 35 tuổi trở lên khuyến khích làm ngay NIPT (test sàng lọc không xâm lấn) từ lúc thai 9 tuần để hạn chế nguy cơ bỏ sót bệnh lý nhiễm sắc thể.
- Thai 22 tuần: khảo sát hình thái học thai nhi bằng siêu âm 4D/5D
- Thai từ 15-16 và 23-25 tuần: Bạn sẽ được tầm soát sinh non bằng đo chiều dai kênh cổ tử cung.
- Thai từ 24 đến 28 tuần: bạn được tầm soát đái tháo đường
- Thai từ 32 đến 36 tuần: bạn sẽ được thăm khám 2 tuần mỗi lần.
- Thai từ 36 đến 38 tuần: bạn sẽ được thăm khám mỗi tuần một lần.
- Thai từ 38 tuần đến lúc sanh tốt nhất bạn nên khám thai mỗi 3 ngày.
Bác sĩ sẽ cấy GBS âm đạo và trực tràng (liên cầu khuẩn nhóm B) vào tuổi thai từ 35 đến 37 tuần, nếu dương tính bạn sẽ được điều trị kháng sinh để dự phòng nhiễm trùng sơ sinh nhất là viêm phổi sơ sinh.
Sau 32 tuần bạn không nên di chuyển xa như đi du lịch hoặc về quê bằng máy bay hoặc xe đường dài hạn chế nguy cơ dọa sinh non, sinh non.
Trong suốt quá trình mang thai nếu bạn hoàn toàn khỏe mạnh bạn vẫn có thể tập thể dục như người bình thường, những bài tập an toàn và tốt cho sản phụ không chuyên tập luyện là đi bộ, bơi lội và yoga, thời gian tập mỗi ngày chỉ nên từ 20 đến 50 phút, không tập quá sức.
Bạn nên nhớ khi mang bầu thì nhu cầu calories của cơ thể bạn chỉ tăng hơn bình thường khoảng 300 Kcal, bạn không cần phải ăn gấp đôi lượng thức ăn bình thường, thay vào đó hay chia thành 5-6 bữa ăn mỗi ngày để không có cảm giác đói liên tục và bảo đảm lượng đường trong máu hằng định.
Nếu lượng đường trong máu bạn cao ngay từ trước khi mang thai hoặc ngay từ thời điểm đầu của thai kỳ, nguy cơ thai to, bất thường hệ thần kinh và tim mạch sẽ cao hơn một sản phụ có lượng đường trong máu bình thường. Vậy nên chế độ ăn uống ít tinh bột và đường được khuyến khích, đối với những sản phụ có nguy cơ cao như người trong gia đình bị đái tháo đường, sản phụ hội chứng buồng trứng đa nang, béo phì thì việc sàng lọc đái tháo đường thai kỳ sẽ được thực hiện vào giai đoạn tam cá nguyệt 1.
NHỮNG TAI BIẾN SẢN KHOA VÀ SƠ SINH
Những tai biến sản khoa và sơ sinh trong quá trình mang thai, sinh đẻ cũng như hậu sản.
- Tiền sản giật: là tình trạng huyết áp cao trong khi mang thai sau 20 tuần, thường hay đi kèm với thai chậm phát triển trong tử cung, nếu tình trạng nặng có thể bị hội chứng HELLP (tan máu, tăng men gan, giảm tiểu cầu) vô cùng nguy hiểm.
- Nhau bong non: là tình trạng bánh nhau bong ra khỏi thành tử cung trước khi có chuyển dạ, nguyên nhân thường do sang chấn hoặc do tử cung gò nhiều.
- Vỡ tử cung: là tình trạng cơ tử cung bị xé rách, thường xảy ra trong lúc rặn đẻ trên cơ địa người có vết mổ cũ tại tử cung hoặc sau khi đẻ xong mới được phát hiện do sang chấn trong quá trình sổ thai hoặc dùng thủ thuật như forcep…
- Băng huyết sau sinh: là mất >500ml máu trong quá trình sinh thường hoặc >1000 ml máu trong quá trình mổ lấy thai
- Uốn ván rốn sơ sinh: hiếm xảy ra do thai phụ được chủng ngừa uốn ván trong khi mang thai đầy đủ
- Nhiễm trùng hậu sản: hay xảy ra trong tháng đầu hậu sản, sản dịch có mùi hôi, tử cung không co bóp tốt có thể gây chảy máu, không điều trị kịp thời dễ gây nhiễm trùng huyết, nguy cơ cắt tử cung cao.
- Thai chậm phát triển trong tử cung: tùy thuộc vào dinh dưỡng mẹ, tình trạng bánh nhau hoặc hấp thu của thai
- Thai to do đái tháo đường thai kỳ: thai to nhưng nhiều nguy cơ khi ra đời như: hạ canxi, hạ đường huyết, về lâu dài trẻ tăng nguy cơ béo phì, đái tháo đường type 2
- Cường giáp khi mang thai: là tình trạng hormon tuyến giáp hoạt động quá mức, nếu không được phát hiện để khi vào chuyển dạ gây cơn bão giáp có thể gây tử vong cho mẹ.
- Sinh non: sinh trước 37 tuần, sinh non mang đến nhiều hệ lụy cho trẻ vì các cơ quan chưa thật sự hoàn thiện về chức năng như não, phổi, tiêu hóa…
- Nhiễm trùng sơ sinh: thường do những yếu tố trong bào thai như nhiễm trùng ối hoặc do quá trình chuyển dạ kéo dài
- Vàng da nhân: là bệnh lý vàng da sơ sinh gây ảnh hưởng vĩnh viễn đến hệ thần kinh của trẻ
Những tình trạng trên có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của cả mẹ lẫn bé và ảnh hưởng đến sự phát triển tâm thần của trẻ sau khi ra đời nên việc ngăn chặn hoặc phát hiện sớm những bệnh lý trên vô cùng quan trọng.
Giai đoạn hậu sản người mẹ cũng cần được quan tâm chăm sóc để nhanh chóng phục hồi sức khỏe, có đủ lượng sữa mẹ để nuôi con.
Mang thai là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời người phụ nữ nhất là mang thai lần đầu. Tuy nhiên các mẹ cũng không nên quá lo lắng vì đa phần các trường hợp mang thai đều bình thường. Nếu các bạn xác định hạnh phúc của hôn nhân không thể thiếu những đứa con thì nên lập kế hoạch sinh đẻ trong độ tuổi tốt nhất cho sức khỏe của mẹ và bé là từ 20-30 tuổi.